Chưa như kỳ vọng
Việc liên kết giữa khu
vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với khu vực doanh nghiệp trong
nước cùng tham gia chuỗi giá trị trong
thời gian qua đã đạt được rất nhiều thành công. Tuy nhiên để kỳ vọng về mối
liên kết này được nâng tầm cao hơn nữa, phù hợp với yêu cầu phát triển của ngành
công nghiệp hỗ trợ hay hoạt động chuyển giao công nghệ tại Việt Nam, là vấn đề
được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và nhiều đại biểu trăn trở
tại Diễn đàn thông qua những quan điểm và kiến nghị liên quan để thúc đẩy kỳ
vọng đó.
Bộ trưởng Nguyễn Chí
Dũng cho biết, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam bao gồm doanh nghiệp trong nước
và nước ngoài đã ngày càng trưởng thành, lớn lên cùng đất nước, đông thêm về số
lượng, mạnh lên về tiềm lực và là động lực quan trọng góp phần đưa nền kinh tế Việt
Nam trong thời gian qua liên tục tăng trưởng ở mức cao, GDP năm 2017 đạt 220 tỷ
USD tăng gấp 8 lần so với năm 1997, phấn đấu đến 2020 GDP đạt khoảng 300 tỷ
USD.
Những thành tựu trên,
theo Bộ trưởng có sự đóng góp của khu vực doanh nghiệp FDI. Bên cạnh việc ngày càng khẳng định vai trò quan
trọng trong nền kinh tế Việt Nam, đóng góp khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội
và khoảng 20% GDP; Khu vực FDI cũng đã
có những hiệu ứng lan tỏa đối với các lĩnh vực của nền kinh tế, thông qua việc
tiếp cận công nghệ tiên tiến và chuẩn mực quốc tế trong quản trị doanh nghiệp,
phát triển kỹ năng của lực lượng lao động, cũng như tạo ra nhiều việc làm trong
các lĩnh vực của nền kinh tế… Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thẳng thắn, sự liên kết
giữa khu vực FDI với khu vực doanh nghiệp trong nước cùng tham gia chuỗi giá trị
chưa đạt như kỳ vọng, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và hoạt động chuyển
giao công nghệ còn ở mức thấp.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và
Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đồng Chủ tịch VBF nhận định, hàng
loạt động thái cải cách của Chính phủ, đặc biệt liên quan tới xuất nhập khẩu và
đầu tư đang mang lại những kết quả bước
đầu tích cực, tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp và diện mạo mới cho môi
trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam. Nhưng thực tế, không phải tất cả các Bộ ngành, các địa
phương đều có hành động cụ thể và thực chất. Chẳng hạn, sau 4 năm đưa vào thực
hiện, Cơ chế một cửa quốc gia (NSW), cơ chế nền tảng để hiện đại hóa và cải
cách thủ tục hành chính trong hoạt động xuất nhập khẩu, mới chỉ triển khai được
47/245 thủ tục (chiếm 19% tổng số thủ tục xuất nhập khẩu). Trong số 47 thủ tục
đã được thực hiện, không ít trường hợp chưa điện tử hóa đồng bộ, thậm chí còn
gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp…
Nỗ lực đổi mới tư duy
Bộ trưởng Nguyễn
Chí Dũng cho rằng, để tăng cường sự liên kết giữa doanh nghiệp trong và ngoài
nước, hướng tới lợi ích chung các doanh nghiệp nước ngoài cần chủ động tạo điều
kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội từng bước tham gia vào chuỗi giá
trị. Doanh nghiệp trong nước phải nỗ lực
đổi mới tư duy quản lý theo hướng hiện đại, tiếp cận công nghệ tiên tiến, nâng
cao kỹ năng và trình độ lao động, tăng năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm
và năng lực cạnh tranh. Đồng hành cùng với doanh nghiệp, Chính phủ phải có các biện pháp thiết thực nhằm tạo điều kiện và hỗ
trợ cho sự liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài một
cách hiệu quả và dễ tiếp cận.
“Nhìn vào thực tế, năng lực và chất lượng của
các doanh nghiệp sản xuất trong nước còn rất hạn chế, khó đáp ứng các yêu cầu,
tiêu chuẩn trong sản xuất và kinh doanh của các đối tác FDI. Đây là điều cần sự
tập trung và nỗ lực nhiều hơn nữa để cải thiện và thay đổi”, ông Vũ Tiến Lộc
nhấn mạnh.
Chung quan điểm, ông Kim Heung Soo, Chủ tịch
Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc (KOCHAM) tại Việt Nam nhận định, thực tế đại đa
số các doanh nghiệp địa phương ở Việt Nam vẫn chưa thể sản xuất các sản phẩm
phụ trợ đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp FDI. Do đó, Chính phủ Việt Nam và
các doanh nghiệp FDI cần nỗ lực để cải thiện tình hình này. Các doanh nghiệp
Hàn Quốc đang rất nỗ lực để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam
và nuôi dưỡng các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo ông Koji Ito, Chủ tịch Hiệp hội doanh
nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI), một trong những trách nhiệm của Chính phủ
là đề ra những quy định để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có môi trường hoạt
động thông thoáng đến mức tối đa, nhưng vẫn đảm bảo kỷ cương chặt chẽ. Cụ thể
là phải làm thế nào để hai phía gồm các doanh nghiệp Việt Nam với tinh thần
khởi nghiệp mạnh mẽ và những doanh nghiệp FDI với nguồn vốn, kinh nghiệm làm ăn
có thể tăng cường tiếp cận được những nguồn lực về con người, sản phẩm và
vốn....Cơ sở hạ tầng lạc hậu cũng được đại diện JCCJ đánh giá sẽ làm giảm sức
hút đầu tư của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Từ thực tiễn trên, JCCI
bày tỏ, Chính phủ Việt Nam sớm có biện pháp xử lý căn nguyênvấn đề, kỳ vọng
Việt Nam sẽ khai thác được những nguồn vốn cần thiết để xây dựng cơ sở hạ tầng.
Từ đó, góp phần thắt chặt mối liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và nước
ngoài.
Chính sách thuế và hải
quan cũng là những lĩnh vực được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và mong đợi
những nỗ lực cải thiện. Các nhà đầu tư đều cho rằng, dù Việt Nam đã có nhiều nỗ
lực, nhưng vẫn còn không ít tồn tại trong lĩnh vực thuế, hải quan. Cụ thể như
liên quan tới miễn và hoàn thuế hải quan đối với hàng xuất khẩu sản xuất bằng
thuê ngoài; tính minh bạch của các báo cáo thuế hay sự chuyên nghiệp của các
cán bộ thừa hành trong ngành thuế và hải quan trong việc kiểm toán và thanh
tra; những rào cản đến từ hoạt động kiểm tra sau thông quan và các chính sách
áp thuế hiện nay...
Ông Nicolas Audier, Chủ
tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu, cho rằng, chính sách thuế là vấn đề cần cải
thiện để mời gọi đầu tư nước ngoài và hợp tác quốc tế hơn nữa.
Bên cạnh đó, các doanh
nghiệp châu Âu quan tâm tới thị trường năng lượng và muốn đầu tư các dự án năng
lượng xanh - công nghệ sạch như điện gió, pin năng lượng mặt trời...tại Việt
Nam. Các doanh nghiệp châu Âu mong muốn được Chính phủ bảo đảm sự minh bạch và
nhất quán trong chính sách thu hút đầu tư; có biện pháp phù hợp và hiệu quả
nhằm bảo vệ nhà đầu nước ngoài cũng như tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ…
Bộ
Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao những kiến nghị hợp lý, mang tính xây dựng của
cộng đồng doanh nghiệp cũng như tinh thần hợp tác, có trách nhiệm của các Bộ,
ngành tại VPF trong việc xem xét, giải quyết các khuyến nghị nhằm xây dựng một
môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng cạnh tranh, hấp dẫn, an toàn, minh bạch,
xây dựng mối liên kết doanh nghiệp trong nước và nước ngoài hiệu quả, hướng tới
lợi ích chung. Với tư cách là cơ quan đầu mối của Chính phủ trong việc tổ chức
Diễn đàn doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Bộ sẽ tổng hợp những
kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để
đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi luật pháp, chính sách, đồng thời chỉ đạo các
Bộ ngành, địa phương xem xét, giải quyết những khó khăn vướng mắc của cộng đồng
doanh nghiệp.
BK