Tính đến 20/8/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh
và góp vốn mua cổ phần
(GVMCP) của nhà ĐTNN đạt 19,54 tỷ USD, bằng 86,3%
so với cùng kỳ năm 2019. Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài
ước đạt 11,35 tỷ USD, bằng 94,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Tính lũy kế đến ngày 20/8/2020, cả nước có 32.539 dự án còn hiệu lực với
tổng vốn đăng ký 381,2 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của
các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 223,1 tỷ USD, bằng 58,5%
tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Thông tin chi tiết như sau:
I. VỀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TẠI VIỆT NAM
1. Tình hình thu hút ĐTNN
8 tháng năm 2020
1.1. Tình hình hoạt động
Vốn thực hiện:
Tính tới 20/8/2020, ước tính các
dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 11,45 tỷ USD, bằng 95,7% so
với cùng kỳ năm 2019.
Tình hình xuất, nhập khẩu:
Xuất khẩu: Do tác động của đại
dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu của khu
vực ĐTNN tiếp tục giảm. Xuất khẩu (kể cả dầu thô) đạt 113,3 tỷ USD, bằng 95,5%
so với cùng kỳ, chiếm 65,1% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô đạt
112,2 tỷ USD, bằng 95,7% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 64,4% kim ngạch xuất
khẩu cả nước trong 8 tháng năm 2020.
Nhập khẩu: Nhập khẩu của khu vực
ĐTNN đạt gần 90,8 tỷ USD, bằng 94,7% so cùng kỳ và chiếm 55,6% kim ngạch nhập
khẩu cả nước.
Mặc dù giảm so với cùng kỳ, song
tính chung trong 8 tháng năm 2020, khu vực ĐTNN vẫn xuất siêu gần 22,6 tỷ USD
kể cả dầu thô và xuất siêu 21,4 tỷ USD không kể dầu thô, bù đắp phần nhập siêu 11,6
tỷ USD của khu vực trong nước, giúp cả nước xuất siêu 10,9 tỷ USD.
1.2. Tình hình đăng ký đầu tư
Tính đến 20/8/2020,
tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà ĐTNN đạt 19,54
tỷ USD, bằng 86,3% so với cùng kỳ năm 2019. Mặc dù vốn đăng ký cấp mới và vốn
điều chỉnh tăng hơn so với cùng kỳ, song vốn góp của các nhà ĐTNN theo hình
thức GVMCP vẫn tiếp tục giảm, làm giảm tổng vốn đầu tư thu hút được trong 8 tháng
đầu năm.
Trong đó:
Vốn đăng ký mới: Có 1.797
dự án mới
được cấp GCNĐKĐT (giảm 25,3%
so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt 9,73 tỷ USD (tăng 6,6% so với cùng
kỳ năm 2019). Vốn đầu
tư tăng chủ yếu là do dự án Nhà máy điện khí tự nhiên
hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu được cấp GCNĐKĐT mới với tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD (chiếm 41,1% tổng vốn đăng ký mới).
Vốn điều chỉnh: Có 718 lượt dự án đăng ký điều chỉnh
vốn đầu tư (giảm 20,9%
so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 4,87 tỷ USD (tăng 22,2% so với
cùng kỳ). Vốn điều chỉnh trong 8
tháng tăng do có Dự án tổ hợp hoá dầu Miền Nam Việt Nam tại Bà Rịa - Vũng Tàu
(Thái Lan) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 1,386 tỷ USD và dự án Khu Trung tâm
đô thị tây hồ Tây (Hàn Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 774 triệu USD.
Góp vốn, mua cổ phần: Có 4.804 lượt GVMCP của nhà ĐTNN (giảm 8,2% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp 4,93
tỷ USD (bằng 51,8% so với cùng kỳ). Cơ cấu giá trị góp vốn, mua cổ phần trong tổng vốn
đầu tư cũng giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2019 (từ gần 42% trong 8 tháng năm 2019 xuống 25,2% trong 8 tháng năm 2020).
(Biểu số liệu chi tiết tại Phụ lục I kèm theo
báo cáo).
Theo lĩnh vực đầu tư:
Các nhà đầu tư nước
ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến,
chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 9,3 tỷ USD, chiếm 47,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện
đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư trên 4 tỷ USD, chiếm 20,6% tổng vốn đầu tư đăng
ký. Tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản, bán
buôn bán lẻ với tổng vốn đăng ký gần 2,87 tỷ USD và 1,21 tỷ USD. Còn lại là các
lĩnh vực khác.
Theo đối tác
đầu tư:
Đã có 106 quốc gia và
vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 6,54
tỷ USD, chiếm 33,5% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Hàn Quốc đứng thứ hai với
tổng vốn đầu tư 2,97 tỷ USD, chiếm 15,2% tổng vốn đầu tư. Trung Quốc đứng vị
trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,75 tỷ USD, chiếm gần 9% tổng vốn đầu tư.
Tiếp theo là Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan,...
Nếu xét theo số lượng
dự án mới thì Hàn Quốc đứng vị trí thứ nhất (463 dự án); Trung Quốc đứng vị trí
thứ hai (256 dự án); Nhật Bản đứng thứ ba (196 dự án); Hồng Kông đứng thứ tư (164
dự án);…
Theo địa bàn đầu tư:
Các nhà ĐTNN đã đầu
tư vào 59 tỉnh, thành phố trên cả nước. Bạc Liêu vẫn tiếp tục dẫn đầu với 1 dự
án lớn có vốn đầu tư 4 tỷ USD, chiếm 20,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. Hà Nội đứng
thứ 2 với tổng vốn đăng ký đạt 2,86 tỷ USD, chiếm gần 14,6% tổng vốn đầu tư (trong đó đầu tư chủ yếu theo phương thức mở
rộng dự án hiện có và GVMCP, chiếm lần lượt 42,3% và 41,7% tổng vốn đầu tư đăng
ký của Hà Nội). TP Hồ Chí Minh đứng thứ 3 với 2,62 tỷ USD, chiếm 13,4% tổng
vốn đầu tư (trong đó đầu tư theo phương
thức GVMCP chiếm tỷ trọng lớn, chiếm 75,7% tổng vốn đầu tư của Thành Phố). Tiếp
theo lần lượt là Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Hải Phòng,…
Nếu xét theo số lượng
dự án mới thì TP Hồ Chí Minh dẫn đầu (669 dự án); Hà Nội đứng thứ hai (377 dự
án); Bắc Ninh đứng thứ ba (110 dự án),….
(Biểu số liệu chi tiết
tại Phụ lục II kèm theo báo cáo).
Một số dự án lớn trong 8 tháng đầu năm 2020:
(1) Dự án Nhà máy điện khí tự
nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc Trung tâm nhiệt điện LNG Bạc Liêu
(Singapore), vốn đầu tư đăng ký 4 tỷ USD với mục tiêu sản xuất điện từ khí tự
nhiên hóa lỏng LNG (cấp GCNĐKĐT ngày 16/1/2020).
(2) Dự án Tổ hợp hoá dầu miền Nam
Việt Nam (Thái Lan) tại Bà Rịa – Vũng Tàu, điều chỉnh tăng vốn đầu tư 1,386 tỷ (GCNĐT
điều chỉnh cấp ngày 18/4/2020).
(3) Dự án Nhà máy sản xuất lốp xe
Radian Jinyu (Việt Nam), tổng vốn đầu tư 300 triệu USD với mục tiêu sản xuất
lốp xe toàn thép TBR do nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư tại Tây Ninh (cấp GCNĐKĐT
ngày 21/1/2020).
(4) Dự án Victory - Nhà máy sản
xuất sản phẩm điện tử công nghệ cao tại Đồng Văn, Hà Nam (Đài Loan), tổng vốn
đầu tư 273 triệu USD với mục tiêu sản xuất, lắp ráp các thiết bị máy tính điện tử
và ngoại vi máy tính; sản xuất các thiết bị âm thanh và hình ảnh điện tử dân
dụng (cấp GCNĐKĐT này 1/4/2020).
(5) Dự án Công trình văn phòng tại 29 Liễu Giai (Singapore), điều chỉnh
tăng vốn đầu tư thêm 246 triệu USD (GCNĐT điều chỉnh cấp ngày 31/3/2020).
2. Nhận xét về tình
hình đầu tư nước ngoài trong 8 tháng đầu năm 2020.
- Việc tái
bùng phát dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam trong thời gian qua đã có những tác động,
ảnh hưởng nhất định tới doanh nghiệp ĐTNN. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, thêm
nhiều doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khó
khăn. Vốn thực hiện của các dự án ĐTNN tiếp tục giảm
trong 8 tháng đầu năm, bằng 94,9% so với cùng kỳ.
- Hiện vẫn có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan
tâm và có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam. Nhưng do ảnh hưởng của đại dịch
Covid-19, việc đi lại của các nhà đầu tư cũng như các quyết định đầu tư mới và
mở rộng quy mô dự án ĐTNN tiếp tục bị ảnh hưởng. Số dự án mới, điều chỉnh vốn
và cả số lượt GVMCP của nhà ĐTNN đều giảm so với cùng kỳ. Tính chung trong 8 tháng,
mặc dù vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn tăng lên (tương ứng tăng 6,6% và 22,2%), song vẫn chủ yếu tăng là nhờ các dự
án lớn, đã được nộp hồ sơ và đàm phán trong một thời gian dài trước đó. Đồng
thời, mức độ tăng cũng đang ngày càng giảm dần. Kết quả trên tuy giảm sút so với cùng kỳ, nhưng xét trong
bối cảnh đầu tư toàn cầu suy giảm rất mạnh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19
thì kết quả này tốt hơn nhiều quốc gia khác, thể hiện sức hấp dẫn của Việt Nam
trong mắt giới đầu tư quốc tế.
- Dù tác động của dịch bệnh là vô cùng nặng nề đối
với nền kinh tế của nhiều quốc gia, song cán cân thương mại hàng hóa trong 8
tháng đầu năm 2020 tại Việt Nam tiếp tục xuất siêu 10,9 tỷ USD, trong đó khu
vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 22,6 tỷ USD; khu vực
kinh tế trong nước nhập siêu 11,6 tỷ USD.
3. Tình hình
ĐTNN luỹ kế tới 20/8/2020
Tính lũy kế đến ngày 20/08/2020, cả nước có 32.539 dự án còn hiệu lực
với tổng vốn đăng ký gần 381,2 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu
tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 223,1 tỷ USD, bằng 58,5% tổng vốn đăng ký còn
hiệu lực.
- Theo lĩnh
vực: các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế
quốc dân, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao
nhất với 222,9 tỷ USD, chiếm 58,5% tổng vốn đầu tư, tiếp theo là các lĩnh vực
kinh doanh bất động sản với 59,7 tỷ USD (chiếm 15,7% tổng vốn đầu tư); sản
xuất, phân phối điện với 27,6 tỷ USD (chiếm 7,2% tổng vốn đầu tư).
- Theo đối tác đầu tư: Có 137
quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam. Trong đó, đứng
đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký gần 70,2 tỷ USD (chiếm 18,4% tổng vốn đầu
tư). Nhật Bản đứng thứ hai với gần 60,3 tỷ USD (chiếm 15,8% tổng vốn đầu tư),
tiếp theo lần lượt là Singapore và Đài Loan, Hồng Kông.
- Theo địa bàn: ĐTNN đã có mặt ở
tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó thành phố Hồ Chí Minh vẫn là
địa phương dẫn đầu trong thu hút ĐTNN với 47,8 tỷ USD (chiếm 12,6% tổng vốn đầu
tư); tiếp theo là Hà Nội với 39 tỷ USD (chiếm 10,2% tổng vốn đầu tư); Bình
Dương với trên 35 tỷ USD (chiếm 9,2% tổng vốn đầu tư).
(Biểu số
liệu chi tiết tại Phụ lục III kèm theo báo cáo)
II. VỀ ĐẦU
TƯ CỦA VIỆT NAM RA NƯỚC NGOÀI
Trong 8 tháng đầu năm 2020, tổng
vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và điều chỉnh đạt 330,2 triệu USD, tăng
15,8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó có 86 dự án được cấp giấy chứng nhận
đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký đạt gần 218,5 triệu USD (tăng 21,3% so
với cùng kỳ) và 25 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn tăng thêm là 111,8
triệu USD (tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2019).
Riêng trong tháng 8/2020, có 6 dự
án được cấp GCNĐKĐT mới và 8 lượt dự án điều chỉnh, với tổng vốn đầu tư ra nước
ngoài cấp mới và tăng thêm đạt 77,3 triệu USD, bằng 47,8% so với cùng kỳ năm
2019 và tăng gấp hơn 2,5 lần so với tháng 7/2020.
Các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư
ra nước ngoài ở 13 lĩnh vực. Trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu,
với 10 dự án cấp mới và 6 lượt điều chỉnh vốn, tổng vốn đăng ký 225,7 triệu
USD, chiếm 68,4% tổng vốn đầu tư. Lĩnh vực dịch vụ lưu trú ăn uống đứng thứ 2,
với tổng vốn đầu tư 39,6 triệu USD, chiếm gần 12%; tiếp theo là các lĩnh vực bán
buôn, bán lẻ; thông tin truyền thông.
Có 24 quốc gia, vùng lãnh thổ
nhận đầu tư của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2020. Dẫn đầu là Đức với 4 dự án
đầu tư mới, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 92,6 triệu USD, chiếm 28% tổng vốn đầu
tư. Lào đứng thứ hai, với 86,7 triệu USD, chiếm 26,3%. Tiếp theo là Myanmar, Hoa
Kỳ, Singapore,…. (Biểu số liệu chi tiết
tại Phụ lục IV kèm theo báo cáo).
Bảng số liệu: FDI 8T.2020